Theo quy định, từ ngày 1-7-2018 tất cả ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá, kể cả xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn, phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Một xe tải 1,4 tấn đang được kiểm định - Ảnh: NGỌC ẨN
Kể từ ngày 1-7-2018 xe tải dưới 3,5 tấn phải gắn thiết bị giám sát hành trình (gọi tắt là hộp đen). Nhiều doanh nghiệp và chủ xe vẫn lo ngại xe đã gắn hộp đen nhưng chưa được ghi trên giấy chứng nhận kiểm định có bị xử phạt?
Xe không gắn hộp đen bị phạt
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, thực hiện Nghị định 86/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì lộ trình gắn đặt hộp đen đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn được áp dụng trong cả nước là trước ngày 1-7-2018.
Thực hiện quy định trên, tại TP.HCM có khoảng 30.000 xe tải dưới 3,5 tấn sẽ phải gắn hộp đen. Trước đó từ năm 2014 đến quý 1-2018 tại TP.HCM đã có 107.273 xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi và xe kinh doanh vận tải hàng hóa gồm xe đầu kéo, container… lắp đặt hộp đen trên xe theo lộ trình quy định.
Như vậy, kể từ 1-7-2018 là thời hạn cuối cùng yêu cầu tất cả các loại xe kinh doanh vận tải bắt buộc trên xe phải gắn hộp đen. Mức xử phạt ra sao?
Ông Phạm Lê Lâm - phó đội trưởng Đội Tham mưu, Thanh Tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết xe không lắp đặt hộp đen sẽ bị xử phạt đối với lái xe là 4 triệu đồng/xe, đối với chủ xe bị phạt 5 triệu đồng/xe hoặc xe thuộc đơn vị vận tải, tổ chức thì mức phạt là 10 triệu đồng/xe.
Làm sao để phân biệt xe kinh doanh vận tải phải gắn hộp đen và xe không kinh doanh không cần gắn hộp đen? Giải thích về việc ông Lê Hồng Việt - phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết Nghị định 86 đã giải thích xe kinh doanh vận tải bằng ô tô bao gồm xe chở khách hoặc chở hàng nhằm mục đích sinh lợi.
Trong đó bao gồm ô tô kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp, đây là xe thu tiền dịch vụ (cước phí) trực tiếp từ khách hàng. Còn ô tô kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là xe thu tiền cước thông qua quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ.
Vì vậy, chỉ có rất ít loại xe dưới 3,5 tấn để chở "đồ nhà" phục vụ gia đình thuộc diện xe không kinh doanh nên không phải lắp đặt hộp đen.
Xe gắn hộp đen nhưng chưa kiểm định có bị phạt?
Theo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 50-06V, 50-04 V, 50-02 S, ở TP.HCM, từ giữa tháng 6-2018 đến nay số lượng xe dưới 3,5 tấn đến kiểm định có gắn hộp đen tăng lên rõ rệt. Trong đó, một số chủ xe đã đưa xe đến kiểm định dù giấy chứng nhận kiểm định còn thời hạn nhiều tháng.
Xe tải làm thủ tục kiểm định tại trung tâm đăng kiểm - Ảnh: NGỌC ẨN
Tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V (Q.2), lái xe Nguyễn Hữu Hạnh cho biết giấy chứng nhận kiểm định này còn thời hạn đến tháng 9-2018, nhưng chủ xe vừa lắp hộp đen nên đến kiểm định lại để đơn vị đăng kiểm ghi trong giấy chứng nhận kiểm định xe đã lắp hộp đen.
Giải thích về việc xe còn thời hạn kiểm định mà chủ xe vẫn đi kiểm định lại để xác định đã gắn hộp đen, ông Nguyễn Xuân Hải - giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V cho biết có thể chủ xe lo ngại nếu không làm thế dễ bị lực lượng kiểm tra trên đường gây khó.
Ông Nguyễn Xuân Hải và một số giám đốc trung tâm đăng kiểm cho biết đến hết tháng 6-2018, đơn vị đăng kiểm không yêu cầu xe kinh doanh vận tải dưới 3,5 tấn phải gắn hộp đen. Nếu lái xe và chủ xe đã lắp hộp đen có yêu cầu thì đơn vị đăng kiểm sẽ xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm định là xe đã gắn hộp đen.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-7-2018 tất cả xe kinh doanh vận tải phải gắn hộp đen, nếu xe không lắp hộp đen thì đơn vị đăng kiểm sẽ không kiểm định chiếc xe đó.
Liệu có xử phạt xe đã gắn hộp đen nhưng chưa được xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm định?
Ông Lê Hồng Việt - phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết hiện nay chưa có văn bản của cơ quan thẩm quyền hướng dẫn xử phạt xe đã lắp hộp đen phải được xác định trong giấy chứng nhận kiểm định.
“Thanh tra Sở GTVT linh hoạt chưa xử phạt khi kiểm tra xe có hộp đen mà chưa được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định. Việc chưa xử phạt nhằm tạo thuận lợi giúp cho nhà xe giảm được chi phí kiểm định vì người ta đã lắp hộp đen, trong khi giấy chứng nhận kiểm định vẫn còn thời hạn sử dụng” - ông Việt nói.
Tuy nhiên, ông Việt cho biết các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra trực tiếp nếu không có 5 thông tin dữ liệu bắt buộc phải có trong hộp đen (gồm: tốc độ xe, hành trình xe chạy, biển số xe, họ tên lái xe, thời gian làm việc của lái xe), đồng thời kiểm tra máy chủ của chủ xe, nếu không có và không truyền dữ liệu thông tin từ những chiếc xe đang kinh doanh vận tải thì vẫn sẽ xử phạt.
Theo ông Việt, hiện nay nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã nhận thức việc gắn hộp đen đem lại hiệu quả kinh doanh vì kiểm soát được chiếc xe và các cơ quan chức năng cũng thuận lợi trong quá trình kiểm tra xử lý khi xe xảy ra sự cố trên đường.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ